Theo tính toán, chỉ riêng thiệt hại do ùn tắc giao thông đã gây thiệt hại về kinh tế rất lớn cho các đô thị, chỉ tính riêng Hà Nội, trung bình mỗi năm ùn tắc giao thông gây thiệt hại cho Hà Nội khoảng 1 tỷ USD và tình trạng ùn tắc ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng, để hạn chế tình trạng ùn tắc, ngoài việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cần tính đến việc khảo sát, đánh giá nhu cầu đi lại của người dân để đề ra giải pháp một cách hiệu quả. Thực tế điều này được thực hiện như thế nào?
Mở đầu loạt chương trình “Giảm ùn tắc nội đô các thành phố lớn: nhu cầu đi lại của người dân được quản trị ra sao?” là ghi nhận của phóng viên VOVGT về những biện pháp chủ yếu khắc phục ùn tắc hiện nay.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, năm 2018, trên địa bàn vẫn tồn tại 37 điểm ùn tắc giao thông. Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã tập trung xử lý được 4/37 điểm ùn tắc. Theo Sở GTVT Hà Nội, việc xử lý các điểm ùn tắc này phần lớn dựa trên việc điều tiết, phân luồng giao thông tại khu vực.
Cụ thể, tại ngã tư Cầu Tó- Kim Giang để hạn chế ùn tắc, Sở GTVT và các lực lượng chức năng đã tổ chức giao thông một chiều trên trên đường Kim Giang và đường bờ trái sông Tô Lịch, đoạn từ cầu nhà máy Sơn tổng hợp đến nút giao cầu Tó – Kim Giang – Phan Trọng Tuệ.
Tương tự như vậy, tại nút giao Đại lộ Thăng Long và đường vành đai 3 trên cao, Sở GTVT và các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông cho một số phương tiện từ đường gom trên đại lộ Thăng Long, tránh xung đột khi lên đường vành đai 3 trên cao.
Đánh giá về hiệu quả của những giải pháp này, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó phòng quản lý kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội cho biết:
"Năm 2017, Sở cũng đã triển khai một số giải pháp để làm sao giảm xung đột và tránh ùn tắc trên Đại lộ Thăng Long. Ví dụ như đã điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu để đảm bảo cho hệ thống xe đi lại không dồn vào đường vành đai 3 trên cao. Thứ hai là xử lý các xe vòng vo đón khách bằng cách tăng cường lực lượng thanh tra cũng như cắm biển cấm dừng đỗ".
Cùng với việc phân luồng giao thông, lực lượng thanh tra giao thông, CSGT cũng phải căng mình để điều tiết tại những điểm nóng về ùn tắc. Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an Tp. Hà Nội cho biết, lực lượng CSGT đã nỗ lực thực hiện rất nhiều biện pháp như Nghiên cứu bố trí lực lượng điều khiển giao thông để hạn chế ùn tắc. Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, tập trung vào các hành vi gây mất ATGT… Tuy vậy, do lượng phương tiện cơ giới tăng quá nhanh, dẫn đến hiệu quả giảm ùn tắc chưa triệt để...
"Các phương tiện giao thông tăng nhanh, gia tăng một cách đột biến, phải nói là theo cấp số nhân dấn đến sức khó khăn đối với lực lượng CSGT khi phân luồng vì quá tải quá".
Tương tự như vậy, tại Tp. HCM từ đầu năm đến nay cũng xử lý được 5/37 điểm ùn tắc. Các biện pháp chủ yếu là tăng cường lực lượng và điều chỉnh các biện pháp điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý hơn cho từng thời điểm, xử lý nghiêm việc dừng đỗ trái phép...
Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, kết nối các tuyến đường nội bộ, cải tạo vỉa hè cũng được đề xuất áp dụng tại những điểm ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc giao thông cao.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các giải pháp mà các đô thị thực hiện chưa mang lại hiệu quả lâu dài. Bằng chứng là cùng với việc xóa được 5 điểm ùn tắc, Tp.HCM cũng phát sinh 2 điểm ùn tắc mới. Tại Hà Nội, tình trạng cũng diễn ra tương tự.
Đánh giá về điều này, ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị và nông thôn, Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng, với tốc độ gia tăng số lượng phương tiện cơ giới quá nhanh, trong khi quỹ đất cho giao thông chậm được cải thiện thì việc giảm ùn tắc bằng việc phân luồng, xử phạt vi phạm chỉ mang tính chất tình thế.
Nhà tài trợ
Đánh giá Xe tải nhỏ Changan Euro4 mới 2018
"Muốn giải quyết các điểm ùn tắc giao thông đặc biệt nghiêm trọng mà không có giải pháp đặc thù sẽ không giải quyết được. Kinh nghiệm cụ thể tại Trung Quốc cho thấy hiện có 150 thành phố đang áp dụng kiểm soát hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, biện pháp này phải đi đôi với việc nỗ lực phát triển phương tiện công cộng chứ không thể áp dụng một cách khiên cưỡng. Chỉ khu vực nào đủ điều kiện cho phương tiện công cộng hoạt động mới tiến tới giảm hạn chế phương tiện cá nhân".
Các chuyên gia cũng cho rằng, để kiểm soát phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc, cần có sự khảo sát, nghiên cứu nhu cầu đi lại của người dân, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phù hợp mới mang lại hiệu quả lâu dài trong việc hạn chế tình trạng ùn tắc. Những nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong bài viết tiếp theo
(Theo: Báo VOV Giao Thông)