Theo thống kê của Cục CSGT, tỷ lệ TNGT do vi phạm nồng độ cồn tại Việt Nam xấp xỉ 5%, trong khi nghiên cứu độc lập của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy tỷ lệ này vào khoảng 36%. Đặc biệt vào các dịp cao điểm lễ, Tết, số vụ TNGT nhập viện có liên quan tới rượu, bia lên tới hơn 60%, phần lớn là các vụ rất nặng. Hiện nay, vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới TNGT tại Việt Nam.
Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đã đưa các mức phạt lên mức cao đủ sức răn đe bởi vậy tôi cho rằng không cần tăng thêm. Quan trọng là tập trung nâng cao nhận thức chung toàn xã hội và bảo đảm hiệu lực thực thi pháp luật. Thái độ của một bộ phận khá lớn người dân trong xã hội về vấn đề này chưa thực sự nghiêm túc. Trong một nghiên cứu độc lập năm 2015 về ATGT tại TP HCM, khảo sát trực tiếp tại một số quán bia cho thấy, có tới 90% số người vẫn trực tiếp lái xe về nhà.
Phần lớn người dân mặc dù biết hành vi đó là sai nhưng vẫn thực hiện. Gia đình khi thấy một thành viên lái xe khi đã uống rượu bia quá nhiều cũng chưa có phản ứng rõ ràng đủ mạnh để ngăn chặn. Thực tế này cho thấy, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ khó đạt kỳ vọng nếu ngay trong mặt bằng xã hội chưa có một quan điểm đúng đắn và đòi hỏi nghiêm khắc về việc đó.
Trước việc tại Hội nghị ATGT gần đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình có gợi ý xử lý vi phạm uống rượu, bia khi lái xe theo hướng một người vi phạm đến lần thứ 3 có thể khởi tố hình sự, ông Minh cho rằng: Nếu một cá nhân vi phạm quy định nồng độ cồn khi lái xe tới lần thứ 3 thể hiện thái độ coi thường pháp luật, đe dọa tính mạng người khác nên việc truy tố xử lý hình sự, xử phạt qua hệ thống tư pháp là cần thiết và hợp lý.
Để thực hiện giải pháp trên, cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện pháp lý bằng việc sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính cho phép xử phạt lũy tiến hành vi tái phạm. Bổ sung các hành vi và xử phạt vi phạm nồng độ cồn trong Luật Hình sự theo hướng không cần đợi để lại hậu quả mà chỉ cần vi phạm là đã có thể truy tố. Cùng đó là hoàn thiện cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan trong quản lý xử phạt và thực thi pháp luật. Đồng thời, cần tiếp tục kiên trì tuyên truyền để cộng đồng có nhận thức đầy đủ đúng đắn về vấn đề này.
(Nhà tài trợ)
Đánh giá nhanh Xe tải Isuzu mới Euro4 2018
Theo ông Minh, phần lớn các quốc gia phát triển xếp hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe là tội phạm và xử phạt theo án lệ. Họ có hệ dữ liệu quốc gia về vi phạm giao thông và sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng. Điều quan trọng, họ có quy định pháp luật cho phép xử phạt theo mức độ vi phạm và phạt lũy tiến nếu tái phạm, có quy trình xử phạt qua hệ thống tư pháp và thực thi nghiêm, bởi vậy các quyết định được đưa ra rất nhanh chóng và hiệu lực thực thi rất tốt, khi cá nhân vi phạm không tuân thủ thì công tác cưỡng chế thực thi cũng rất mạnh và hiệu quả. Chính những điều này tạo ra tác dụng răn đe, người dân sợ không dám vi phạm.
(Theo: Báo atgt)