Việt Nam chưa có trung tâm của Nhà nước để giám sát và điều chỉnh tốc độ lái xe thông qua thiết bị GSHT...
Thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ TNGT liên quan đến phương tiện vi phạm tốc độ. Đáng nói, chỉ sau khi "sự đã rồi", cơ quan chức năng mới phát hiện lái xe vi phạm tốc độ, dù trên xe có đầy đủ thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Câu hỏi đặt ra làm thế nào để giám sát, ngăn chặn kịp thời hành vi này, từ đó giảm nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn.
Dữ liệu “chết”Ngày 22/11, tài xế xe bồn chở xăng dầu chạy trên QL13, đến xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành (Bình Phước) tông vào xe ba gác, lao qua dải phân cách, đâm sập trụ điện và lật nhào. Xăng dầu trên xe bồn đã gây ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng làm hàng chục căn nhà bị cháy, 6 người chết. Dữ liệu từ thiết bị GSHT cho thấy, tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe bồn chạy với tốc độ 96km/h. Đáng chú ý, quá trình di chuyển, xe này liên tục chạy quá tốc độ cho phép, thời điểm cao nhất, xe chạy với tốc độ trên 100km/h.
Trước đó, ngày 15/9, trên tuyến QL4D (thị trấn Tam Đường, Lai Châu) xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, giữa xe bồn BKS 24C-063.76 và ô tô khách BKS 25B-000.88. Cú va chạm làm 2 phương tiện rơi xuống suối sâu có nhiều đá tảng. Hậu quả, 13 người chết, 3 người bị thương nặng. Theo Tổng cục Đường bộ VN, thiết bị GSHT của xe bồn nói trên báo tốc độ xe lúc xảy ra tai nạn là 109km/h, trong khi đoạn đường này chỉ cho phép chạy tối đa 60km/h.
Đó chỉ là hai trong số hàng chục vụ tai nạn nghiêm trọng có nguyên nhân từ vi phạm tốc độ. Sau mỗi vụ như vậy, dư luận lại đặt câu hỏi tại sao vi phạm tốc độ của lái xe chỉ được phát hiện sau khi tai nạn đã xảy ra mà không được phát hiện trực tuyến bằng thiết bị GSHT để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.
Ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích cơ sở dữ liệu ATGT (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) cho rằng, về nguyên lý vận hành của thiết bị GSHT, khi xe vi phạm tốc độ khoảng 5km, thiết bị sẽ tự động phát tín hiệu bằng đèn và âm thanh ngay trên xe, đồng thời truyền báo về trung tâm điều hành của DN. Trong các vụ tai nạn trên, rõ ràng các tài xế đã phớt lờ các tín hiệu cảnh báo này.
Theo ông Đạt, những vụ việc này có trách nhiệm của DN vận tải, đã không có bất cứ biện pháp nào để ngăn chặn hay cảnh báo tới tài xế. “Điều này cũng xuất phát từ hạn chế trong việc giám sát của cơ quan chức năng như Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT khi chưa có 1 cơ chế trao đổi thông tin hữu hiệu. Khi xảy ra các yếu tố mất an toàn, thông tin cảnh báo chưa được gửi tự động mà phải dò thủ công, trong cả triệu phương tiện đang lưu thông mà tìm ra phương tiện mất an toàn để cảnh báo rất mất thời gian”, ông Đạt nói.
Cũng theo ông Đạt, tác dụng của “hộp đen” chưa cao, hiện số lượng thiết bị GSHT quá lớn, dữ liệu cung cấp về Tổng cục Đường bộ VN khổng lồ. Do đó, không thể bố trí đủ lực lượng tới từng xe xử lý kịp thời. Nhiều vụ tai nạn thảm khốc thời gian qua cho thấy, dữ liệu này hiện nay đang là dữ liệu “chết”, không hề có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm giao thông.“Việc xử lý các hành vi vi phạm qua thiết bị GSHT chỉ phục vụ công tác hậu kiểm hoặc khi có tai nạn xảy ra, chứ chưa phục vụ việc cảnh báo nhằm ngăn chặn nguy cơ TNGT”, ông Đạt nói.
Trách nhiệm vẫn thuộc doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, chúng ta chưa có một trung tâm của Nhà nước để giám sát và điều chỉnh tốc độ lái xe thông qua thiết bị GSHT. Trong khi đó, trung tâm quản lý dữ liệu ở Tổng cục Đường bộ VN chưa có cơ chế, kinh phí, biên chế vận hành để giám sát, nhắc nhở ngay lái xe khi họ vi phạm tốc độ. Hơn nữa, với hàng triệu xe kinh doanh vận tải trong cả nước sẽ rất khó để trung tâm này giám sát trực tuyến vì đòi hỏi về nhân lực và nguồn kinh phí rất lớn.
Theo ông Quyền, việc giám sát lái xe thuộc trách nhiệm của DN, Nhà nước chỉ trang bị cho họ công cụ để quản lý. Từng DN làm việc này mới có độ bao phủ và tính giáo dục cao và mới giải quyết tận gốc vấn đề. Thông qua hệ thống quản lý ATGT, bằng cơ chế quản lý, DN phải giám sát, điều chỉnh, nhắc nhở lái xe. “Cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo ATGT ở các DN, khi kiểm tra phải dùng dữ liệu GSHT để xử lý vi phạm.
Nhà tài trợ
Đánh giá nhanh Xe tải Isuzu NPR85KE4 Euro4 mới chất lượng cao
Cần có quy định cụ thể nội dung quản lý ATGT ở DN bao gồm những nội dung gì, cơ chế khai thác dữ liệu GSHT ra sao”, ông Quyền nói.Để khắc phục và xử lý tình trạng các xe đang hoạt động vận tải nhưng không truyền dữ liệu, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hàng tháng tổng cục đều chỉ đạo các sở GTVT tăng cường công tác giám sát và xử lý vi phạm theo quy định tại Thông tư số 10/2015 của Bộ GTVT.
Trong đó, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ và vi phạm thời gian lái xe liên tục và không truyền dữ liệu.“Tổng cục đang phối hợp thực hiện nâng cấp hệ thống máy chủ để đảm bảo việc khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT của các sở GTVT được nhanh chóng, liên tục và thuận lợi. Đồng thời, nâng cấp chức năng cảnh báo phương tiện không truyền dữ liệu, hoàn thiện báo cáo thống kê phương tiện đang chạy nhưng không truyền dữ liệu. Thời gian dự kiến hoàn thành trong năm 2018”, bà Hiền cho biết.
(Theo: Báo atgt.vn)